Metro Bến Thành – Suối Tiên tiến gần ngày chạy thương mại

(Theo laodong.vn) Công tác thi công gần như đã hoàn thành 100%, Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang được đẩy nhanh công tác đào tạo thực hành để sẵn sàng vận hành thương mại vào cuối năm nay.

12 Metro Bến Thành Suối Tiên - Ngọc Khang Corp

Kỹ thuật lái tàu người Việt Nam thực hành trên tàu Metro số 1. Ảnh Minh Quân

12 Metro Bến Thành Suối Tiên - Ngọc Khang Corp 2

Chuyên gia người Nhật Bản tham gia đào tạo thực hành tại dự án Metro số 1. Ảnh: Minh Quân

Người Việt Nam lái tàu Metro số 1
 
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), các đoạn xây dựng ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố, từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son và đoạn trên cao cùng depot Long Bình đều đã đạt trên 99,9%. Đồng thời, gói mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe và đường ray đã đạt 96,6%, sẵn sàng cho việc vận hành thử và sau đó là khai thác thương mại.
 
Để chuẩn bị cho việc vận hành tuyến metro, MAUR đã triển khai chương trình đào tạo thực tế cho 58 học viên lái tàu và 24 nhân viên điều độ chạy tàu. Sau khi hoàn thành giai đoạn đào tạo lý thuyết và mô phỏng tại Việt Nam và Nhật Bản, các học viên đã chính thức bước vào giai đoạn đào tạo thực tế trên các đoàn tàu của dự án.
 
Chị Phạm Thị Thu Thảo – một học viên lớp Kỹ thuật viên lái tàu – chia sẻ, cảm giác thú vị khi được trực tiếp vận hành tàu: “Cảm giác rất chân thực khi được lên tàu thực tế. Khi kéo lực để tàu chạy, tôi cảm nhận được sự di chuyển và khi hãm tàu, cảm nhận được độ ghì của tàu lại”.
 
Ông Trần Đăng Thành – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 – nhấn mạnh: “Đây là một cột mốc rất quan trọng để các anh chị có được kinh nghiệm thực tế, làm tiền đề cho việc vận hành thử vào tháng 10, 11 và chính thức khai thác thương mại vào cuối năm nay”.
 
Hiện khoảng 300 nhân viên nhà ga đang được đào tạo về hệ thống trang thiết bị tại các nhà ga. Ngoài việc đào tạo nhân lực, các cầu bộ hành bắc ngang đại lộ Võ Nguyên Giáp – Xa lộ Hà Nội nối vào ga Metro số 1 đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để khai thác đồng bộ khi dự án vận hành thương mại.
 
Hiện 6 trong số 9 cầu bộ hành đã hoàn thành, bao gồm: Tân Cảng, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái và Khu Công nghệ cao. Hai cầu còn lại tại ga Đại học Quốc gia và ga Thủ Đức dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9.
 
Kết nối đồng bộ với mạng lưới xe buýt
 
Ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó Trưởng ban Phụ trách MAUR – nhận định rằng, tuyến Metro số 1 có ý nghĩa rất lớn đối với hệ thống giao thông và kinh tế của TPHCM, hứa hẹn mang đến những thay đổi tích cực trong cách thức di chuyển của người dân.
 
“Khi tàu chưa chạy, người dân có thể chưa cảm nhận được rõ ràng, nhưng khi tuyến metro này đi vào hoạt động, mọi người sẽ nhận thấy đây là một phương tiện hiện đại và thân thiện, thậm chí có thể mê hoặc họ” – ông Hiển chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc hoàn thành tuyến Metro số 1 sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố tiếp tục triển khai các dự án metro khác.
 
Để đảm bảo sự tiện lợi cho hành khách, mỗi nhà ga đều được bố trí bãi đỗ xe máy, giúp người dân có thể gửi xe và di chuyển bằng metro vào trung tâm thành phố. Đối với các hành khách sử dụng xe buýt, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM đã xây dựng kế hoạch tăng cường kết nối các tuyến xe buýt với các nhà ga metro.
 
Dự kiến sẽ có 18 tuyến xe buýt hiện hữu với tổng cộng 3.528 chuyến/ngày phục vụ trung bình 66.795 hành khách/ngày đi qua khu vực chợ Bến Thành.
 
Sở GTVT TPHCM sẽ mở thêm 2 tuyến buýt mới để kết nối với ga metro Bến Thành sau khi tuyến Metro số 1 chính thức hoạt động gồm: Tuyến Bến xe buýt Sài Gòn – Nhà hát Thành phố; tuyến Bến xe buýt Sài Gòn – Ga Hòa Hưng. Cả hai tuyến trên cùng sức chứa 17 – 20 hành khách, 206 chuyến/ngày. Đồng thời, sẽ có những tuyến buýt chạy vòng trong các khu đô thị, khu dân cư để đưa khách đến tàu điện.

Các khiếu nại không làm Metro số 1 đội vốn

Metro số 1 đang gặp một số vướng mắc do tranh chấp, khiếu nại đòi chi phí phát sinh gần 4.000 tỉ đồng. Theo lãnh đạo MAUR, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến cách diễn giải về hợp đồng và sự phối hợp về mặt giao diện giữa liên danh tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản. Hiện TPHCM đã chấp nhận bổ sung một số loại chi phí để phục vụ những hạng mục thi công cuối cùng. Trường hợp Ban Xử lý tranh chấp và Đơn vị hòa giải thương mại quyết định TPHCM phải chịu trách nhiệm và trả những khoản này thì cũng không làm tăng vốn của dự án bởi vẫn nằm trong khoản 6.000 tỉ đồng tiền dự phòng theo tổng mức đầu tư ban đầu.

MINH QUÂN

Rate this post